Phương pháp rèn luyện và phát triển chỉ số cảm xúc EQ cho bé (phần 1)

22-04-2016
Có nhiều bậc cha mẹ không quan tâm đến cảm xúc của con và vô tình làm trẻ bị tổn thương. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống tinh thần của bé, vậy đâu là phương thức thích hợp để rèn luyện cảm xúc cho trẻ. Chúng ta hãy cùng theo dõi nội dung bên dưới nhé!

Ngày nay việc quan tâm đến cảm xúc của trẻ trở nên quan trọng và vô cùng cần thiết. Việc thấu hiểu cảm xúc của bé sẽ giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về con cũng như có những biện pháp rèn luyện chỉ số cảm xúc nhằm tạo tiền đề cho sự phát triển toàn diện trong tương lai. Cảm xúc của bé được đo lường thông qua chỉ số cảm xúc EQ, bằng chỉ số này chúng ta sẽ nắm rõ các thông số chính xác về cảm xúc của trẻ, từ đó đưa ra những biện pháp rèn luyện và phát triển phù hợp cho con mình. Dưới đây là một số biện pháp đã được đúc kết từ các tài liệu khoa học, các bạn hãy cùng Genius Print khám phá nhé.

1. Rèn luyện chỉ số cảm xúc EQ cho bé

Để các bé ý thức về khả năng của bản thân, cha mẹ cần tạo cơ hội cho con thể hiện sự tự tin và cách thấu hiểu năng lực của bản thân. Nếu cha mẹ đánh giá con quá cao, nuông chiều theo ý muốn của trẻ sẽ dễ khiến trẻ trở nên tự cao, ương ngạnh. Còn nếu đánh giá quá thấp, sẽ khiến trẻ tự ti và hoài nghi về năng lực của mình. Lời khuyên dành cho cha mẹ là mỗi khi con vấp ngã, phạm lỗi hay bị điểm kém, đừng chăm chăm la rầy mà hãy lấy đó làm cơ hội để tôi luyện cho bé tinh thần phấn đấu cải thiện thiếu sót, ngày càng tiến bộ hơn. Lúc cha mẹ gặp khó khăn trong công việc, hãy cho con biết rằng cha mẹ đang cố gắng vượt qua như thế nào.

Động lực phấn đấu: Cha mẹ cần nuôi dưỡng ước mơ, tạo mọi điều kiện để trẻ theo đuổi ước mơ của mình, đồng thời xây dựng mục tiêu phấn đấu cho trẻ càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, không nên áp đặt mong muốn và mục tiêu của cha mẹ lên con cái, điều này không những không giúp bé mà ngược lại tạo nên một áp lực vô hình ngăn cản tài năng vốn có của bé. Trẻ con tâm tính dễ thay đổi do đó mục tiêu của bé có thể thay đổi theo thời gian, vì vậy cha mẹ hãy là người bạn đồng hành dõi theo từng bước đi của con nhé.

Kiên trì: Cha mẹ có thể luyện tính kiên trì cho trẻ qua việc cùng chơi với trẻ hoặc cho bé tiếp xúc với các trò chơi logic, cần vận dụng kỹ năng suy luận ví dụ như: chơi xếp hình, nặn tượng, tô màu… Song song đó, cha mẹ nên khích lệ con mỗi khi bé nhẫn nại thực hiện một hoạt động nào đó.

Khả năng kiềm chế: Muốn con trẻ có khả năng kiềm chế thì chính cha mẹ phải làm tấm gương để bé noi theo, đồng thời giải thích cho trẻ nên có hành động gì khi bản thân mất kiềm chế trong từng tình huống cụ thể.

Khả năng điều chỉnh cảm xúc: Cha mẹ cần phải điều chỉnh cảm xúc khi dạy dỗ con. Khi con hư hỏng, nghịch phá mà người cha quá giận dữ còn người mẹ lại quá mềm mỏng sẽ khó dạy trẻ biết điều chỉnh cảm xúc. Vì thế cả cha và mẹ cần có sự thống nhất về cảm xúc và phương pháp dạy con để có thái độ đúng mực và nhất quán, như vậy trẻ mới hiểu mình cần phải xử sự thế nào cho phù hợp.

Lòng thấu cảm ở trẻ: cụ thể là lòng nhân ái, lòng yêu thích với cả con vật, cây cỏ. Cha mẹ nên phát huy sự thấu cảm của con cái bằng cách dạy trẻ giúp đỡ, chia sẻ với những người bất hạnh, kém may mắn.

Tinh thần lạc quan: Nếu cha mẹ luôn rên rỉ, trách móc cuộc đời thì đứa trẻ cũng dễ bị ảnh hưởng bởi không khí nặng nề đó. Vì thế để truyền đạt được tinh thần này, chính phụ huynh phải sống lạc quan trước đã.

Tóm lại cha mẹ không chỉ giảng giải cho con 7 tiêu chí về EQ bằng lời nói mà còn bằng cả lối sống và cách cư xử của mình. Đó chính là bài học thiết thực dành cho con.

Bên cạnh đó, phụ huynh cần hiểu rằng cảm xúc chi phối mạnh mẽ hành động của con người, từ đó ảnh hưởng đến kết quả của hành động. Trên thực tế, không có quyết định nào của con người là thuần lý trí, mà luôn có vai trò của cảm xúc trong đó. Chẳng hạn, nếu cha mẹ giao cho con một việc mà con không muốn làm, con sẽ làm một cách miễn cưỡng cho xong rồi chẳng màng đến việc ấy nữa. Nhưng nếu đó là một việc con yêu thích, con sẽ dồn hết tâm sức để làm, nên kết quả thường rất tốt, và khi làm xong, con cũng sẽ cảm thấy rất vui. Vì thế hãy cố gắng tạo cho trẻ cảm xúc tích cực khi làm bất kỳ việc gì.


Hợp tác
SĐT: 0909 009 306
Marketing
SĐT: 0901 442 224
Tư vấn viên: Ms.Năm
SĐT: 0908 401 760
Chat